Chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc

Các nhà khoa học khuyến cáo các đối tượng cần được làm xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF (Mycobacterium tuberculosis/Rifampicin) để chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc bao gồm: bệnh nhân lao chữa trị thất bại với phác đồ điều trị lao không kháng thuốc Rifampicin kể cả lao nhạy cảm, lao kháng đơn thuốc và đa thuốc. Người nghi mắc lao mới hoặc người bệnh mắc lao mới có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng thuốc. Người mắc bệnh lao không có kết quả âm hóa bệnh phẩm đờm sau 2 hoặc 3 tháng điều trị bằng phác đồ thuốc chống lao không kháng Rifampicin. Bệnh nhân lao tái phát với phác đồ điều trị lao không kháng thuốc Rifampicin, lao kháng thuốc Rifampicin. Bệnh nhân lao điều trị lại sau bỏ điều trị kể cả lao không kháng thuốc Rifampicin và lao kháng thuốc Rifampicin. Người bệnh lao mắc mới có kết quả nhiễm HIV (human immunodeficiency virus) dương tính. Các trường hợp khác như người nghi mắc lao hoặc người bệnh lao có tiển sử dùng thuốc chống lao trên 1 tháng kể cả người nghi mắc lao tái phát, người nghi mắc lao sau bỏ điều trị, người nghi mắc lao hoặc người bệnh lao có tiền sử điều trị lao ở y tế tư nhân nhưng không rõ kết quả điều trị. Người bệnh lao phổi mắc mới qua sàng lọc trong số trường hợp có kết quả xét nghiệm AFB (Acid-fast bacillus) dương tính hoặc mở rộng tới trường hợp kết quả xét nghiệm AFB âm tính tùy theo chủ trương và nguồn lực của Chương trình Chống lao Quốc gia tại mỗi giai đoạn.

Gene Xpert MTB/RIF là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Quy trình thao tác của kỹ thuật này đơn giản, cho kết quả nhanh và cho kết quả kép, đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc Rifamycin hay không. Kỹ thuật xét nghiệm này cho kết quả trực tiếp với bệnh phẩm đờm soi AFB dương tính có độ nhạy lên tới 98%, 72% ở những bệnh phẩm đờm soi AFB âm tính và độ đặc hiệu là 99,2%. Thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ khoảng 100 phút. Việc đưa hệ thống chẩn đoán lao nhanh vào hoạt động sẽ giúp chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm lao và lao kháng thuốc nhằm điều trị kịp thời và hạn chế lây nhiễm lao ra cộng đồng đã được Tổ chức Y tế thế giới - WHO chứng thực và khuyến cáo áp dụng kỹ thuật trong công tác phòng chống lao. Gene Xpert MTB/RIF nên được áp dụng làm xét nghiệm chẩn đoán ban đầu cho những trường hợp nghi mắc lao kháng nhiều thuốc hoặc lao đồng nhiễm HIV. Tại những nơi tình hình dịch tễ lao đa kháng thuốc hoặc HIV không cao, áp dụng cho trường hợp xét nghiệm đờm trực tiếp âm tính để tăng phát hiện lao phổi AFB dương tính.

Chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc

Biểu hiện

Về lâm sàng, bệnh lao kháng thuốc được ghi nhận ở những người bệnh khi đang điều trị lao nhưng các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc có thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân tiếp tục giảm trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở người chưa bao giờ bị mắc bệnh lao và triệu chứng lâm sàng của bệnh lao đa kháng thuốc có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Về cận lâm sàng, bệnh lao kháng thuốc biểu hiện qua xét nghiệm AFB, nuôi cấy vi khuẩn có kết quả dương tính liên tục hoặc kết quả âm tính một thời gian rồi sau đó dương tính trở lại hay kết quả âm tính, dương tính xen kẽ ở người bệnh đang điều trị thuốc chống lao. Khi xét nghiệm kháng sinh đồ thường cho kết quả kháng với các loại thuốc chống lao đang sử dụng. Các kỹ thuật sinh học phân tử có thể chẩn đoán nhanh lao đa kháng thuốc, tiền kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc và dùng để phân biệt với trực khuẩn lao không điển hình. Có thể hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang phổi không thay đổi hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới trong quá trình điều trị đúng phác đồ có kiểm soát; trường hợp lao kháng thuốc cũng có thể phát hiện ở người chưa bao giờ mắc bệnh lao, hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Chẩn đoán xác định

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng thực như Hain test, Gene Xpert MTB/RIF... thì tiêu chuẩn chẩn đoán các thể bệnh lao kháng thuốc được xác định cụ thể gồm: kháng một thuốc hay đơn kháng thuốc là trường hợp chỉ kháng duy nhất với một loại thuốc chống lao hàng một khác Rifampicin. Kháng nhiều thuốc là kháng với từ hai loại thuốc chống lao hàng một trở lên mà không kháng với Rifampicin. Lao kháng thuốc Rifampicin là kháng với thuốc Rifampicin có hoặc không kháng thêm với các loại thuốc chống lao khác kèm theo, có thể là kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc hay siêu kháng thuốc. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta hiện nay, các chủng vi khuẩn lao đã kháng với thuốc Rifampicin chiếm tỉ lệ tới trên 90% có kèm theo kháng thuốc Isoniazid; vì vậy khi phát hiện trường hợp kháng Rifampicin thì người bệnh được xem như là trường hợp đa kháng thuốc và thường được tiếp nhận điều trị theo phác đồ đa kháng thuốc. Đa kháng thuốc MDR-TB (multi drug-resistant tuberculosis) là kháng đồng thời với ít nhất hai loại thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin. Tiền siêu kháng thuốc là trường hợp lao đa kháng thuốc có kháng thêm với bất cứ một loại thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone hoặc với ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm hàng hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin chứ không đồng thời cả hai loại thêm. Siêu kháng thuốc XDR-TB (extensively drug-resistant tuberculosis) là trường hợp lao đa kháng thuốc có kháng thêm với bất cứ loại thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone và bất cứ thuốc nào trong ba loại thuốc tiêm hàng hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin.

Lời khuyên của thầy thuốcNhư trên đã nêu, tình trạng lao kháng thuốc, đặc biệt lao đa kháng thuốc hiện nay tại nước ta cũng như một số nước khác trên thế giới là vấn đề khó khăn về chuyên môn kỹ thuật đã làm hạn chế kết quả điều trị bệnh. Vì vậy, việc chẩn đoán xác định lao kháng thuốc bằng các phương tiện, thiết bị hiện đại cần được triển khai thực hiện phổ cập tại các cơ sở y tế để giúp công tác phát hiện bệnh kịp thời, không bị bỏ sót; theo đó hỗ trợ và định hướng biện pháp xử trí điều trị với phác đồ phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

1 tỷ người hút thuốc, 7 triệu người trên thế giới chết yểu mỗi năm

Clip Đại diện Thanh niên các nước châu Á- Thái Bình Dương cam kết Chọn Tuổi trẻ, chứ không chọn thuốc lá

Hội nghị châu Á Thái Bình Dương về Thuốc lá hay Sức khỏe (APACT 12) diễn ra từ ngày 13-15/9 năm nay tại Baili, Indonesia. Chủ đề năm nay là “Kiểm soát Thuốc lá vì các mục tiêu phát triển bền vững: Đảm bảo một thế hệ khỏe mạnh”.

Hội nghị thu hút khoảng 900 đại biểu từ 30 nước tới tham dự nhằm đưa ra các chiến lược sẽ thực thi để kiểm soát thuốc lá và tác động tại châu Á Thái Bình Dương, trong khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và ưu tiên vì lợi ích của giới trẻ.

Chủ tịch APACT 12 Arifin Panigoro mở màn phiên khai mạc APACT12

Phiên khai mạc diễn ra vào sáng 13/9 với các diễn giả: Chủ tịch APACT 12 Arifin Panigoro, Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek, …. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) TS. Tedros Adhanom Ghebreysus đã gửi thông điệp hy vọng thông qua APACT lần này, chính phủ các nước sẽ thực thi tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc, tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên khỏe mạnh.

Indonesia: Thuốc lá rẻ hơn nước uống, 1/3 trẻ em dưới 13 tuổi tập hút thuốc

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia- Bambang Brodjonegoro cho biết: “Ngoài đạt Mục tiêu SDG 3, kiểm soát thuốc lá còn mang lại hiệu ứng cấp số nhân giúp đạt được cả 17 mục tiêu phát triển bền vững. “Cần phải có sự hỗ trợ đa ngành để tạo ra sự can thiệp hiệu quả trong kiểm soát thuốc lá”.

Bà Nila Moeloek, Bộ trưởng Y tế Indonesia phát biểu tại lễ khai mạc APACT 12

Còn trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết: “Nỗ lực giảm tiêu thụ và phơi nhiễm khói thuốc liên quan tới nhiều khía cạnh. Là hàng hóa, thuốc lá có mối tương quan kinh tế-xã hội. Làn sóng hút thuốc còn liên quan tới các vấn đề như quảng cáo, mối quan hệ với những người nông dân trồng thuốc lá, nhân quyền và quyền bảo vệ trẻ em”, bà Moeloek cho biết. Ở Indonesia, thuốc lá rẻ hơn cả nước uống, trẻ con có thể mua thuốc lá dễ dàng ở các trường học. Hơn 32% học sinh ở Indonesia tập hút thuốc khi chưa tròn 13 tuổi. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi khói thuốc từ cha mẹ và người lớn xung quanh. Khảo sát năm 2016 cho thấy trong số 87 triệu trẻ em trên khắp Indonesia, có đến một nửa bị phơi nhiễm khói thuốc.

Góc khuất của ngành công nghiệp thuốc lá ở Indonesia

“Ngành công nghiệp thuốc lá đang nhắm tới thị trường là đối tượng trẻ em”, bà Yohana Yembise, Bộ trưởng Trao quyền Phụ nữ và bảo vệ trẻ em Indonesia nói. Trong bài phát biểu của mình, bà tiết lộ sự thật về việc các nhà lãnh đạo của các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia nhắm tới trẻ em để các em bắt đầu hút thuốc từ rất sớm.

Sự thật về tác hại của thuốc lá và ngành công nghiệp thuốc lá luôn bị các tập đoàn này phủ nhận rằng họ đang đấu tranh vì lợi ích quốc gia. “Ngành thuốc lá và một số nhân vật cổ súy đã bóp méo các bằng chứng rõ rệt về tác động tiêu cực của thuốc lá. Các tập đoàn thuốc lá quốc tế khổng lồ đã lờ đi sự thật rằng thuốc lá khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm”, ông Arifin Panigoro, Chủ tịch APACT12 nhấn mạnh.

Phiên khai mạc APACT 12

Chọn Tuổi trẻ, không chọn thuốc lá

Tại APACT 12, các bạn trẻ từ các nước châu Á Thái Bình Dương đã gửi thông điệp “Choose Youth, Not Tobacco” (Chọn Tuổi trẻ, Không chọn thuốc lá) để trở thành một thế hệ khỏe mạnh. Các bạn trẻ đại diện cho các nước châu Á Thái Bình Dương kêu gọi cần hành động ngay, trong đó có việc tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ người hút thuốc, đặc biệt ở thanh thiếu niên.

1 tỷ người trên thế giới hút thuốc và 7 triệu người chết yểu do khói thuốc mỗi năm là những con số khiến chúng ta phải suy nghĩ. 40% người lớn hút thuốc, trẻ em cũng nghiện theo. Khói thuốc sẽ ăn mòn sức khỏe của chúng ta và những người xung quanh. Hít khói thuốc đồng thời bạn “hít” thêm cả các căn bệnh lao, viêm phổi, ung thư phổi,… thậm chí gây dị dạng thai nhi. Không chỉ riêng người hút mà người hút khói thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng theo.

Giới trẻ châu Á Thái Bình Dương sẽ chọn Tuổi trẻ chứ không chọn thuốc lá

Nhiều chính sách đã triển khai ở các nước châu Á Thái Bình Dương để ngăn chặn “nạn dịch” thuốc lá lây lan. Australia đã tiến hành thực hiện chính sách bao bì thuốc lá trống trơn. Trong khi ở Philippines, áp thuế tối đa đối với thuốc lá được đưa ra để bảo vệ sức khỏe. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhiều chính sách và hành động để hỗ trợ chương trình phòng chống thuốc lá. Bộ Y tế Indonesia đã khởi động phong trào lối sống lành mạnh GERMAS quy định về những khu vực không khói thuốc, chương trình chấm dứt thuốc lá (UBM), và cảnh báo về ảnh hưởng của thuốc lá tới sức khỏe bằng hình ảnh trên bao thuốc. Bộ Trao quyền Phụ nữ và Trẻ em đã đặt Môi trường không khói thuốc lá là một trong những nhân tố chính để tạo nên Thành phố Thân thiện với Trẻ em. Trong khi Ủy ban Kế hoạch Phát triển Indonesia đã lấy chương trình hành động quốc gia về SDG là đòn bẩy cho tất cả các chương trình và hành động để kiểm soát thuốc lá ở Indonesia. Cùng với nhau, các nước ở châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục bảo vệ người dân khỏi hiểm họa thuốc lá và đảm bảo việc kiểm soát thuốc lá mang đến hạnh phúc cho mọi cộng đồng.

Chiều ngày 13/9, chuyên gia Quỹ Phòng chống tác hại Thuốc lá của Việt Nam Nguyễn Thùy Linh trình bày về những thành tựu và thách thức của Việt Nam trong thực thi các chính sách kiểm soát thuốc lá (trong phiên thảo luận về Tài chính bền vững nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Bích Vân

(đưa tin từ Bali, Indonesia)

Đi bộ và thoái hóa khớp gối

Băn khoăn này rất thường gặp vì đa phần các bác lớn tuổi hay có vấn đề về đái tháo đường và cao huyết áp. Mặt khác, đi bộ có vẻ là môn thể thao phù hợp với nhiều người, đơn giản, dễ thực hiện. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi xin trình bày với độc giả về sự dinh dưỡng của sụn khớp và tình trạng thoái hóa khớp.

Vận động giúp sụn khớp thấm hút dịch khớp

Sụn khớp nói chung hay khớp gối nói riêng là một trong số rất ít các mô không được dinh dưỡng bởi máu của cơ thể. Tế bào sụn khớp được nuôi dưỡng bằng chính dịch khớp được tiết ra từ màng bao khớp. Khi chúng ta vận động, dịch khớp được lớp sụn hút vào hay đẩy ra khỏi chất sụn. Dịch khớp bao gồm proteoglycan, aggrecan và chứa các tế bào sụn. Dịch khớp chứa chất dinh dưỡng để nuôi sụn khớp đồng thời có tác dụng bôi trơn. Dịch khớp không bao giờ bị khô như nhiều người lầm tưởng. Đôi khi dịch khớp được tiết nhiều hơn bình thường gây ra tràn dịch khớp gối như chúng ta hay thấy trong các trường hợp thoái hóa khớp nặng.

Sự vận động khớp làm cho dịch khớp luân chuyển và đem chất dinh dưỡng nuôi tế bào sụn khớp. Nếu khớp không được vận động thì dịch khớp sẽ không được luân chuyển và tế bào sụn sẽ không có chất dinh dưỡng đến nuôi. Khi khớp không vận động, lớp sụn sẽ bị chết nhanh hơn. Có một nghiên cứu được tiến hành trên chó. Người ta cùm hai chân sau con chó không cho gối vận động. Chó vẫn được cho ăn đầy đủ chất. Sau 3 tháng mở cùm, mổ khớp gối hai chân bị cùm người ta thấy các lớp sụn khớp bị bong ra.

Đi bộ và thoái hóa khớp gối

Tuy nhiên sự vận động quá mức của khớp làm tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp và khiến nó chết nhanh hơn. Một nghiên cứu khác được thực hiện như sau: người ta tiến hành đo áp suất tác động lên các tế bào sụn khớp gối của các vận động viên chạy đua ma-ra-tông sau khi thực hiện cuộc chạy. Kết quả là có sự tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp gối. Người ta nghĩ rằng việc hoạt động quá mức sẽ làm tăng áp suất trong tế bào sụn và làm mau thoái hóa khớp hơn. Chúng ta vẫn thấy hình ảnh thoái hóa khớp gối của phần lớn các cầu thủ đá bóng sau khi giải nghệ.

Câu hỏi đặt ra là nên đi bộ trong bao lâu để đạt được việc đốt cháy năng lượng, giảm thiểu mỡ trong cơ thể mà không làm hư khớp gối?

Sự vận động quá mức của khớp làm tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp và khiến nó chết nhanh hơn

Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng vì lẽ đơn giản cấu tạo cơ thể mỗi người mỗi khác. Hơn nữa thoái hóa khớp còn liên quan đến cấu tạo cơ thể hay nói cách khác liên quan đến bộ gen của con người. Muốn đốt lượng mỡ thừa, cơ thể cần hoạt động để đốt hết lượng đường dự trữ có trong cơ thể trước, sau đó cơ thể mới chuyển sang dùng mỡ để tạo năng lượng.

Thời gian luyện tập khoảng 30 - 60 phút để có thể đốt cháy lượng mỡ và sinh ra năng lượng. Đi bộ nhiều dĩ nhiên là làm cho lớp sụn mau bị hư. Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy sụn bị quá tải là tình trạng đau và mỏi gối khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Việc ấn định một khoảng cách cho giới hạn đi bộ là điều khó có thể áp dụng cho tất cả mọi người vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố như đi nhanh hay chậm, người đi bộ nặng hay nhẹ cân, tình trạng sụn khớp trước khi đi bộ hư nhiều ít hay còn tốt, mặt sân đi bộ như thế nào (đi trên cát, đi trên sân xi măng hay vỉa hè, đi trên sân tổng hợp sẽ khác nhau vì phản lực dội lên gối sẽ không như nhau khi đi bộ), các cơ vùng gối và háng ra sao...

Vậy làm sao biết đi bộ như thế nào là vừa phải? Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Khi bạn đi mà cảm thấy gối không còn nhẹ nhàng, không còn thấy thoải mái, đôi khi bạn cảm thấy mỏi và đau gối có nghĩa là đầu gối của bạn đã bị quá tải và cần được nghỉ ngơi.

Nếu giả sử gối đã bị thoái hóa, đi bộ như thế nào? Khi đó bạn vẫn có thể đi bộ dưới nước, đi bộ chậm trên vùng đất cỏ vì phản lực dội lên khớp gối sẽ giảm đi và tránh được thoái hóa khớp gối.

Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy sụn bị quá tải là tình trạng đau và mỏi gối khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi

Đi bộ có thể tác động xấu cho khớp gối của bạn?

Đi bộ được coi là một hoạt động thể dục thể thao an toàn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người tập, mang lại nhiều lợi ích. Tuy thế, nếu bạn là một trong số nhiều người thấy bị đau gối, bạn có thể đổi phương pháp tập khác thay cho đi bộ hoặc đôi khi phải nghỉ tập một thời gian cho khỏi chấn thương. Nếu tình trạng không nghiêm trọng, có vài điều mà bạn có thể làm để duy trì được chương trình đi bộ. Thay đổi giày dép hay tất chân, làm mạnh các cơ quanh đầu gối và làm tăng tính mềm dẻo linh hoạt có thể giúp bạn bỏ được sức ép và giảm đau ở khớp.

Đi bộ có thể giúp ích cho viêm xương - khớp đầu gối

Trên một công trình năm 2012 đăng ở tạp chí Hồi phục Lâm sàng cho thấy người bị viêm xương - khớp đầu gối thấy có những cải thiện đáng kể về chức năng khớp gối sau chương trình tập đi bộ 4 tuần lễ. Và trong một bài năm 2009 đăng trên tạp chí Bác sĩ Gia đình Canada, BS Neil Bosomworth cho biết là chấn thương tránh được càng lâu càng chứng tỏ bài tập đã không gây ra hoặc đẩy nhanh sự tiến triển của một viêm xương-khớp đang có, và nó thực sự đã làm giảm đau và làm tăng hoạt động của khớp. Nhà sinh lý luyện tập lâm sàng Beth Shepard cũng xếp đi bộ nhanh vào số các bài tập ít va chạm và có thể có ích cho người bị viêm xương-khớp.

Các chấn thương đầu gối nghiêm trọng lại là chuyện khác

Nếu bạn bị đau đầu gối do tổn thương của đĩa sụn (nằm giữa các xương của đầu gối) hoặc của một trong số các dây chằng (tức các dải mô liên kết nơi các cơ cẳng chân bám vào khớp gối), khi đó đi bộ thường không được khuyến cáo cho đến khi tổn thương đã được tái tạo và hồi phục. Trong các bong gân, đứt một phần các dây chằng và các vết rách nhỏ hoặc các tổn hại của đĩa sụn nói chung có thể khỏi không cần đến phẫu thuật, chương trình nghỉ ngơi và hồi phục tăng dần cần được theo dõi trước khi có thể bắt đầu đi bộ bình thường trở lại. Trong các rách lớn của đĩa sụn hoặc các đứt hoàn toàn của dây chằng, phẫu thuật hầu như bao giờ cũng là cần thiết.

Tuân thủ các hướng dẫn dưới đây để đi bộ được an toàn hơn

Nếu tình trạng đầu gối của bạn không nghiêm trọng, một giải pháp có thể đơn giản là thay đổi giày. Giày để đi phải có miếng lót tốt và giảm nhẹ sốc, bởi vậy khi giày của bạn đã cũ và đã mất miếng lót, bạn cần phải thay đôi khác. Nếu bạn có vòm gan chân thấp hay có xu thế quay sấp nhiều (tức xoay bàn chân vào phía trong khi bạn đi lại), một đôi giày làm tăng nâng đỡ gan chân với các đồ chỉnh hình có thể giúp giảm nhẹ độ nhấn lên đầu gối. Luôn bắt đầu bằng đi chậm, khởi động tăng dần, và cố gắng đi vào ban ngày khi mà bạn không cảm thấy đau chút nào ở đầu gối. Bắt đầu đi các đoạn ngắn và đặt thời gian cùng đoạn đường mà bạn có thể hơn là bắt đầu ngay lập tức bằng 30 phút đi bộ.

Đi bộ và thoái hóa khớp gốiBài tập làm “cầu mông” có thể giúp cho các đầu gối của bạn ở trong tình trạng đi bộ tốt.

Bổ sung các bài tập khác khi bạn đi bộ hàng ngày

Thực hiện các bài tập sức bền an toàn cho hai cẳng chân có thể giúp cho các đầu gối của bạn ở trong tình trạng đi bộ tốt. Các bài tập về cân nặng cơ thể như ngồi xổm, nâng cao bắp chân và nâng cao mông (làm “cầu mông” - glute bridges) là những lựa chọn tốt.

Tập nâng cao mông: gập các gối và hai bàn chân để bẹt trên sàn tập gần sát mông; nép tay hai bên mình; hai bàn tay để sấp; nâng các háng lên khỏi sàn cho đến khi các đầu gối, háng và vai nằm trên một đường thẳng.

Còn tập duỗi thẳng chân và xoắn cuộn cơ gân kheo tiến hành trên máy tập cân nặng là phải tránh vì có nguy cơ làm căng khớp gối thái quá. Các bài tập mềm dẻo linh hoạt cho các cơ cẳng chân có thể giúp duy trì phạm vi vận động và giảm bớt sức căng của mô liên kết quanh khớp gối. Luôn khởi động trước khi căng giãn hoặc thực hiện các bài tập về phạm vi vận động, và không làm quá mức. Chỉ kéo căng ở mức độ nhẹ, không đau.

Tập cuộn tròn cơ gân kheo. Có 3 phương pháp tập: (1) Tự mình tập không máy; (2) Tập với máy; và (3) Tập với quả bóng y tế.

TS.BS. TĂNG HÀ NAM ANH

Đau mắt đỏ không thể coi thường

Bệnh có thể gây thành dịch và một người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần, do đó cần giữ vệ sinh tốt để kiểm soát tránh nhiễm bệnh cho mình và lây cho người xung quanh.

Viêm kết mạc xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Dịch thường xuất hiện vào tháng 6 - 7, hoặc chậm hơn tới đầu tháng 9 do thời tiết ẩm thấp, thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus.

Mùa mưa là thời điểm dịch đau mắt có nguy cơ bùng phát mạnh và lây lan nhanh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Vào thời điểm giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn.

Cách nhận biết

Bệnh viêm kết mạc cấp được biểu hiện bằng mắt đỏ, cộm như có cát trong mắt và có dử ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó có thể lan qua mắt thứ hai. Buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu trong hoặc vàng tùy tác nhân gây bệnh. Hai mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng, bám vào mặt kết mạc của mi, thấy khi lật mi) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Giả mạc xuất hiện thường gây ra các tổn thương trên giác mạc (trợt, viêm biểu mô giác mạc) làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, sợ ánh sáng, có thể gây giảm thị lực sau này. Trong trường hợp chưa có biến chứng trên giác mạc, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm.

Đau mắt đỏ không thể coi thườngMột số loại virus gây đau mắt đỏ.

Một số người bệnh còn có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai, họng đau mỗi khi nuốt nước bọt.

Cần điều trị đúng

Khi bị đau mắt đỏ người bệnh phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt, không nên tự ý mua thuốc tra nhỏ mắt có corticoid vì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và dử mắt, làm dịu đôi mắt đang cộm rát, khó chịu.

Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh.

Nếu viêm kết mạc do virus, không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chủ yếu là chăm sóc, giữ vệ sinh có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm triệu chứng, kháng sinh tra mắt nhằm mục đích phòng bội nhiễm.

Trong trường hợp viêm kết mạc có giả mạc phải bóc giả mạc trước khi tra thuốc để thuốc ngấm tốt hơn và giảm thiểu biến chứng do giả mạc gây nên.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại. Trẻ bị bệnh nên được ở nhà, không đưa đến nhà trẻ trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh

Không dụi mắt bằng tay; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi tra thuốc và vệ sinh mắt; giặt khăn mặt bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng; giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm thường xuyên; tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Nếu bị đau mắt (thông thường sẽ bị một bên mắt trước), cần chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Tránh nằm nghiêng sang bên lành, nhỏ mắt rồi lau ngay gỉ và nước mắt chảy ra không để chảy sang mắt lành.Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.

TS.BS . Nguyễn Thị Thu Thủy

Giàu hai con mắt…

Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, mạng xã hội… đã làm cho nhiều bệnh lý về mắt tăng cao mà mỗi con người hiện đại cần lưu ý và có biện pháp hữu hiệu để phòng tránh…

Giàu hai con mắt…Khám mắt định kỳ là biện pháp hiệu quả phòng ngừa các bệnh lý về mắt.

Nhiều yếu tố thuận lợi gây bệnh về mắt

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh về mắt ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa do nhiều người rất chủ quan và có nhiều sai lầm trong chăm sóc, phòng và điều trị các bệnh lý về mắt, trong đó phải kể đến các yếu tố hay gặp nhất bao gồm:

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có hại cho mắt do quá trình oxy hóa. Chất chống oxy hóa giúp duy trì độ trong suốt của thủy tinh thể. Hút thuốc có thể cản trở dinh dưỡng tạo ra chất chống oxy hóa. Hút thuốc có nguy cơ cao gây bệnh thoái hóa hoàng điểm.

Uống rượu: Rượu có ảnh hưởng không tốt đến dinh dưỡng trong thủy tinh thể. Uống rượu kéo dài có thể gây ngộ độc thị thần kinh.

Dinh dưỡng không đầy đủ: Dinh dưỡng tốt có thể giúp mắt khỏe nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng là có mối liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh mắt hay không. Acid béo (tìm thấy ở võng mạc) cần thiết cho sự phát triển của mắt và giúp chống lại sự phát triển các mạch máu bất thường. Các thay đổi phức hợp acid béo trên vỏ thủy tinh thể có thể gây đục thủy tinh thể. Lutein, zeaxanthin, và carotene tìm thấy trong thủy tinh thể, lớp sắc tố võng mạc và trong cây có lá màu xanh giúp tạo ra các chất oxy hóa phòng đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm. Các vi chất (riboflavin, thiamin, vitamin C, A, E, kẽm…), đặc biệt vitamin A cần thiết cho tổng hợp rhodopsin, sắc tố võng mạc giúp mắt nhìn được trong điều kiện ánh sáng yếu. Do đó, khi dinh dưỡng được bổ sung cho cơ thể không đầy đủ sẽ làm gia tăng các bệnh lý về mắt như khô mắt, cận thị…

Giàu hai con mắt…Ô nhiễm môi trường là một nguyên nhân gây bệnh lý về mắt.

Dân số già: Theo tuổi, các cấu trúc mắt bị thay đổi do tuổi tác cũng gây ra các bệnh về mắt. Theo nghiên cứu của Anh tại 188 quốc gia trên thế giới cho biết, đến năm 2050, số người mù có thể sẽ lên đến 115 triệu người, với 588 triệu người bị hạn chế thị lực, trong đó người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn.

Nhìn gần: Việc nhìn gần khi đọc sách, xem ti vi hoặc làm việc với máy tính thời gian dài có liên quan đến bệnh cận thị. Bên cạnh đó, ánh sáng nhìn thấy hoặc không nhìn thấy đều có thể gây hại cho mắt. Tia cực tím có thể đi qua giác mạc gây nguy cơ đục thủy tinh thể.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Ở nước ta, việc xem các thiết bị điện tử vượt gấp nhiều lần chuẩn cho phép được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh về tật khúc xạ học đường tăng cao.

Do bệnh lý mạn tính: Cùng với sự gia tăng của các bệnh lý mạn tính không lây nhiễm, số người mắc bệnh về mắt xuất phát từ những bệnh lý này cũng tăng lên, chẳng hạn bệnh đái tháo đường có thể gây đục thủy tinh thể, tân mạch võng mạc…

Các bệnh mắt thường gặp

Những bệnh mắt thường gặp như tật khúc xạ (cận thị-nhìn gần tốt, nhìn xa mờ; viễn thị - nhìn xa tốt, nhìn gần kém; loạn thị; lão thị…). Trong đó, cận thị học đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… rất cao với trên 40% số học sinh mắc phải. Các bệnh khô mắt, mỏi mắt; dị ứng mắt; viêm kết mạc cấp… là những bệnh của thời “hiện đại” khi mà các công nghệ ngày càng phát triển và ô nhiễm môi trường gia tăng. Bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, glôcôm, viêm màng bồ đào, chấn thương mắt… là những bệnh có tỷ lệ gây mù lòa cao.

Ngoài những bệnh lý trên, còn nhiều bệnh lý về mắt với các biểu hiện khác nhau như chảy nước mắt, ruồi bay trước mắt, khó nhìn trong tối, nhược thị, mù màu, rung giật nhãn cầu, mắt lác hay các vấn đề về mắt khi dùng kính tiếp xúc… Với những bệnh lý hay triệu chứng này có thể điều trị được hoặc không nhưng khi nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần được đến chuyên khoa mắt để khám, sàng lọc và có biện pháp điều trị thích hợp.

Tăng cường sức khỏe mắt bằng cách nào?

Có thói quen sinh hoạt lành mạnh: Để giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và phòng ngừa được bệnh tật, mỗi người cần biết cách bảo vệ mắt với những việc làm cụ thể như tẩy trang trước khi ngủ, ngủ đủ giấc, luôn đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng, không nên dụi mắt, chớp mắt thường xuyên, không dùng chung khăn chậu, đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh về mắt để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, virus…

Từ bỏ những thói quen có hại: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia không tốt cho sức khỏe của mắt nên cần hạn chế, tốt nhất là từ bỏ hoàn toàn để tăng cường sức khỏe cho mắt.

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho mắt: Đôi mắt luôn cần được chăm sóc đặc biệt, ngoài những thực phẩm thường ngày, bạn nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, omega 3… như gan động vật, các loại trứng, sữa, cá chép, thịt vịt, các loại trái cây có vị chua như chanh, bưởi, dâu tây, cà chua, rau ngót, súp lơ, cải bẹ trắng, thì là, hành lá, nho, dứa, hạt bí, hạt dưa…

Không xem tivi hay tiếp xúc với màn tính máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh nhiều giờ liền: Hiện nay, công nghệ chế tạo màn hình đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa lọc hết ánh sáng xanh từ các nguồn sáng trên tivi, màn hình ipad nên việc phơi nhiễm quá nhiều đều có thể gây hại cho mắt, đặc biệt là võng mạc.

Giàu hai con mắt…Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ màn hình ipad có thể gây tật khúc xạ.

Mang đồ bảo hộ mắt: Với các hoạt động có hại cho mắt như hàn, xì… khi làm việc cần mang đồ bảo hộ mắt để tránh gây chấn thương. Ngoài ra, trong các hoạt động hàng ngày mỗi người cũng cần chú ý bảo vệ mắt để không gây tổn hại cho mắt, ảnh hưởng tới tầm nhìn.

Với học sinh: Đảm bảo nơi học bài, đọc sách phải đủ ánh sáng, ngồi học đúng tư thế (thẳng lưng, đầu cúi 10-15 độ); đảm bảo khoảng cách thích hợp (khoảng cách thích hợp từ mắt đến trang sách là 25cm, 30cm và 35cm lần lượt với học sinh cấp I, cấp II và cấp III. Đọc sách quá gần sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều, làm suy giảm thị lực và dẫn đến cận thị).Với học sinh đã mắc tật khúc xạ, mang kính đúng độ để mắt nhìn đủ rõ, không phải điều tiết nhiều. Mỗi 6 tháng cần đi tái khám 1 lần để đo thị lực.

Với người lao động: Khi làm việc với máy tính nhiều, thường xuyên sẽ xuất hiện một số triệu chứng mờ mắt, khô mắt và tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Để hạn chế những tác hại khi làm việc với máy tính, nên làm việc ở những nơi có ánh sáng thích hợp, điều chỉnh màn hình ở độ sáng phù hợp; nghỉ ngơi hợp lý, sau mỗi giờ làm việc nên cho mắt thư giãn bằng cách nhắm hoặc chớp mắt nhiều lần.

Khám mắt: Khi có biểu hiện lạ (hoặc bệnh), phải đi khám để điều trị đúng cách.

ThS. Hà Thị Thu Hà

Vì sao bị bệnh huyết áp thấp?

Trần Thị Mến(Bắc Giang)

Ở người khỏe mạnh bình thường, chỉ số huyết áp trung bình là 120/80mmHg. Gọi là bệnh huyết áp thấp khi số đo huyết áp tối đa thấp hơn 100mmHg, thường gặp là 90/60mmHg. Huyết áp thấp hay gặp ở người gầy yếu. Tuy nhiên, mọi người đều có thể bị chứng bệnh huyết áp thấp. Theo thói quen, hầu như chúng ta chỉ để ý đến bệnh tăng huyết áp mà không quan tâm đến bệnh huyết áp thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh huyết áp thấp, đó là: bệnh suy tuyến yên, bệnh tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận, do dùng thuốc điều trị các bệnh khác... và bệnh huyết áp thấp mạn tính không rõ nguyên nhân. Biểu hiện chủ yếu của chứng bệnh huyết áp thấp: hay bị mệt mỏi, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, nhất là khi thay đổi tư thế như đang nằm mà ngồi dậy hoặc đứng lên đi lại sẽ hay bị choáng.

Cách phòng và chữa bệnh: Cần phải ăn đầy đủ các bữa, nhất là bữa sáng, tốt nhất là ăn 3-4 bữa/ngày. Đảm bảo ngủ đủ giấc, đối với người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày và nên ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng. Thường xuyên luyện tập thể dục phù hợp với sức khỏe. Không nên nhịn đói, không để quá bữa mới ăn, không nên lao động quá sức. Uống nước đầy đủ. Điều trị triệt để các bệnh là nguyên nhân gây bệnh huyết áp thấp kể trên.

BS. Nguyễn Hiền

Người phụ nữ có thể quay ngược khuỷu tay 180 độ

Trong một ca bệnh khó tin tới kỳ lạ, một phụ nữ Ấn Độ 37 tuổi có thể quay ngược khuỷu tay180 độ. Đây là hệ quả của chứng bệnh Gorham-Stout.

 

Cánh tay có thể bẻ quặt ra sau của người phụ nữ mắc bệnh xương biến mất

Cánh tay có thể bẻ quặt ra sau của người phụ nữ mắc bệnh xương biến mất

 

Chứng bệnh kỳ lạ trên của người phụ nữ trên được phát hiện tình cờ khi cô đi khám, phàn nàn với bác sĩ về việc hay bị đau vai trái. Bác sĩ nhận thấy vai cô quá mềm và chụp X-quang cho thấy xương nối cánh tay với vai đã biến mất. Thay vì điều trị phẫu thuật, cô đã chọn các bài tập tăng cường sức mạnh của vai để ngăn bệnh tiến triển.

Những người mắc bệnh Gorham-Stout thường phát triển mạch máu bất thường có thể phá hủy xương.

Hương Trà

(theo Sputnik)